Chu Mộng Châu cách bức tường lặng nghe người kia nói một đoạn như vậy đều là chuyện ân oán giang hồ. Trong lòng nghĩ, tiểu trấn này mà vẫn có nhân vật giang hồ xuất hiện cũng là chuyện lạ rồi.
Đến khi nghe nhắc đến danh Thiết Bích Hùng thì lập tức nhớ lại chuyện ba năm trước đây bị Thiết Bích Hùng chặn cướp, rồi gặp thiếu nữ kia ra tay cứu thoát, bất giác trong lòng kinh động.
Khi ấy lại nghe một giọng nữ vang lên, nói:
- Suỵt khẽ thôi, đề phòng có người bên kia nghe được!
Lại nghe giọng nam lúc đầu, nói:
- Muội quá ư cẩn thận đó thôi, chốn khỉ ho cò gáy này làm gì xuất hiện bằng hữu giang hồ? Mà cho dù đi nữa, chỉ cần nghe đến ba tiếng Quy Hồn Bảo thì cũng không dám hó hé nửa tiếng!
Nữ nhân nói:
- Xì! Mấy tiếng Quy Hồn Bảo mà có thể đem doạ thiên hạ ư? Trong bốn huynh đệ các người thì huynh là võ công kém nhất. Lần này nếu không có tôi ra tay trợ thủ, thì chuyện có thể thành tựu trong tay huynh không chứ?
Đến đó thấy cả hai im lặng.
Một lúc nam nhân nói:
- Khỏi phải nói, đương nhiên là nhờ công lao của muội!
Chỉ nghe nữ nhân cười khúc khích nói:
- Thôi đi! Chớ trét vàng lên mặt người ta, nếu chẳng phải cái miệng dẻo của huynh, thì chớ hòng lừa nổi tôi!
Tiếp đó chỉ nghe cả hai cười vẻ phóng dật.
Chu Mộng Châu bịt hai tai lại, không muốn nghe nữa, nhắm mắt cố ngủ.
Sáng hôm sau.
Chu Mộng Châu không dám vội rời khách điếm, ăn uống gì cũng gọi lên phòng, mãi đến trưa, khi nghe phòng bên gọi người kia thanh toán tiền bỏ đi, mới ghé mắt qua cửa sổ theo dõi.
Chỉ thấy đó là một đôi nam nữ, gã kia tuổi chừng hai lăm hai sáu, thân vận võ phục, mặt mày tuấn tú, có chút phóng đãng, đôi mắt lộ vẽ phờ phạc. Nữ nhân mặc áo hồng phấn, mày liễu mắt dài, môi son mắt ngọc, đúng là một trang kiều diễm, nhưng trong đôi mắt như thu thủy kia toát lên một mê lực khiến người ta trực diện phải rùng mình.
Đôi nam nữ ra khỏi khách điếm nhầm hướng tây bắc mà đi, chính cùng hướng với Chu Mộng Châu, chàng bèn gọi tiểu nhị tính tiền phòng rồi lập tức lên đường.
Đôi nam nữ đi trước xoắn xít bên nhau rất thân mật, cười cười nói nói trông phơi phới tình xuân. Bất tri bát giác, đã thấy trước mặt là một vùng bình địa hoang.
Chu Mộng Châu vẫn theo phía sau, thấy trên đường ít người qua lại, chàng ta nghĩ nếu như gần bọn họ quá rất dễ bị họ nghi ngờ. Khi ấy chậm bước lại, kéo cự ly với đôi nam nữ kia ra xa có đến hai mươi trượng, vừa lúc ấy đôi nam nữ phía trước chừng như đi mệt, nên liền cùng nhau ngồi xuống bên đường nghi chân.
Chu Mộng Châu chẳng ngờ sự thể như vậy, giờ chẳng lẽ cũng ngồi xuống nghỉ?
Nhưng đôi nam nữ kia nhìn lại, nếu ngồi xuống nghỉ thì dễ bị họ sinh nghi, khi ấy quyết đinh cứ thong thả bước đi.
Đôi nam nữ ngồi bên nhau nói cười vui vẻ, cứ như không để ý gì đến Chu Mộng Châu, chàng ta mừng khấp khởi cứ nhẹ bước tiến tới. Chẳng ngờ khi sắp vượt qua bọn họ, thì cả hai đột nhiên la lớn:
- Ê! Tiểu tử đứng lại!
Chu Mộng Châu giật mình, nghĩ bọn họ như đã nhận ra mình theo chân họ, nhưng sắc mặt vờ vẻ hoảng hốt hỏi:
- Làm gì chứ?
Gã kia hừ một tiếng nói:
- Làm gì à? Ngươi trong lòng thừa biết còn phải hỏi. Nói đi, sáng nay khi chúng ta rời khách điếm, ngươi theo dõi làm gì? Đã vậy suốt cả chặng đường từ trấn đến đây còn lén lén lút lút bám theo. Hừ! Ngươi có óc không chứ, mà không hỏi xem người của Quy Hồn Bảo có dễ đụng hay không?
Chu Mộng Châu vẫn cố làm không hiểu gì, nói:
- Ông nói gì, tôi chẳng hiểu!
Gã kia trợn mắt, vụt đứng lên quát:
- Không hiểu ư? Ông có cách làm cho ngươi hiểu!
Vừa nói dứt là thấy tay quyền đã đánh tới ngực Chu Mộng Châu.
Chu Mộng Châu vốn không muốn đánh nhau gây thêm phiền hà sau này, nhưng đối phượng đã công tới quá nhanh. Trong Khai Nguyên tự chàng ta chỉ chuyên tâm luyện nội gia tâm pháp và Đạt ma kiếm pháp, quyền cước thì chỉ học cơ bản đại khái, lúc này không có kiếm nên chẳng thi triển được. Đành vận nội lực vào hữu quyền đánh ra trực tiếp nghênh chiêu.
" Bốp " một tiếng, cả người gã kia chấn động mạnh, thoái lui sáu bảy bước. Chu Mộng Châu thì chỉ cảm thấy tay hơi ê ẩm một chút, nhưng cả người vẫn đứng nguyên vi. Chàng mừng khấp khởi:
- Ba năm nay khổ công luyện tập thực chẳng phí!
Gã kia mặt tái nhợt vội rút cặp đoản câu kiếm, hai tay phân tả hữu nhào tới, thét lớn:
- Chẳng ngờ tiểu tử ngươi cũng khá, để ông lãnh giáo vài chiêu!
Chu Mộng Châu tay trái nắm chắc chiếc hộp gỗ, người nhảy về sau một bước la lên:
- Ta và ngươi bình sinh không hề quen biết, cớ sao phải chém giết?
Gã kia chẳng nói tiếng nào, hai kiếm phân ra bằng chiêu Phân hoa phật liễu tả hữu công tới. Chu Mộng Châu vội nhảy người né tránh, nhưng gã kia kiếm chiêu biến hóa rất nhanh, vừa thấy chiêu đầu không đắc thủ thì múa kiếm biến liền chiêu Phong quyện tàn vân tấn công tiếp.
Chu Mộng Châu nhớ lời Đạo An phương trượng căn dặn, nếu không phải gặp tình huống vạn bất đắc dĩ, thì không được động thủ, cho nên chỉ thi triển thân pháp né tránh.
Gã kia tiến liền ba chiêu, Chu Mộng Châu nhảy tránh về sau ba lần.
Đến chiêu thứ tư, chàng nghĩ không thể để bị ức hiếp hoài, định trả miếng, nhưng lúc ấy bỗng có tiếng quát lớn:
- Ngừng tay!
Theo tiếng quát, bóng thiếu phụ áo hồng kia lướt đến chắn giữa bọn họ.
Gã kia trố mắt kinh ngạc hỏi:
- Anh muội, vậy là thế nào?
Thiếu phụ cười tươi nói:
- Mẩn ca yên tâm. Đằng Anh khi nào để lão ca chịu thiệt, trước hết cất binh khi đi. Lão ca chẳng thấy người ta tay không tất sắt, lại ôm một vật gì đó sao?
Gã kia còn phẫn nộ nói hằn học:
- Ta chẳng biết, chỉ cần hắn dám coi thường nhân vật của Quy Hồn Bảo, thì phải cho hắn nếm mùi lợi hại!
Nói rồi, gã lại vung kiếm lên như định xông vào đánh nhau liên tiếp. Thế nhưng phụ nhân tên Đằng Anh trừng mắt hạnh, phát uy lực, gằn giọng:
- Lão ca không nghe lời ư?
Gã kia chừng như rất sợ Đằng Anh, đành thõng tay nói:
- Anh muội ...
Đằng Anh ngắt lời nói ngay:
- Chớ nhiều lời, chỉ cần nghe lời tôi, đảm bảo lão ca không thiệt là được.
Gã kia lúc này mới chịu thâu cặp kiếm vào vỏ.
Đằng Anh thấy gã đã ngoan ngoãn vâng lời thì mỉm cười với gã một cái, rồi quay lại nhìn Chu Mộng Châu, giọng hòa khí nhưng pha chút kiêu ngạo:
- Tiểu huynh đệ nghe đây, bổn cô nương hỏi vài câu, nếu ngươi đáp thực lòng, thì bổn cô nương đảm bảo chẳng ai làm khó ngươi.
Chu Mộng Châu vốn nghĩ muốn hỏi thăm bọn họ vị cô nương mà ba năm trước chàng tình cờ gặp gỡ đồng thời cũng không muốn sinh sự với bọn họ, huống gì nhiệm vụ của sư phụ giao phó còn chưa hoàn thành, cho nên nói:
- Cứ hỏi! Chỉ cần có thể đáp là tôi đáp!
Đằng Anh gật đầu, hỏi:
- Tiểu huynh đệ tên họ là gì? Người ở đậu? Lần này đến Lũng Tây làm gì?
Chu Mộng Châu không cần suy nghĩ nói:
- Tại hạ Chu Mộng Châu, người Trung Châu, lần này đi Lục Bàn Sơn bái kiến vị Trụ Trì Bản Nguyên tự.
Đôi mắt nàng ta cứ nhìn chăm vào mặt chàng ta tợ hồ như dò xem đối phương đáp thực lòng không. Lúc này Chu Mộng Châu ứng thanh đáp một hơi, tợ hồ như chẳng chút giả dối, thì cười tươi nói:
- Ồ, nếu thế thì vị bằng hữu của ta đây hiểu nhầm rồi tiểu huynh đệ xin cứ tiếp tục hành trình!
Chẳng ngờ đối phương chỉ hỏi có mấy điều đơn giãn nghiên cứu, Chu Mộng Châu trong lòng thấy quái lạ, nhưng nghĩ không nên nhiều lời thêm phiền hà cho mình, liền cất bước đi.
Nhưng gã kia tợ hồ như không cam lòng khi thấy Đằng Anh cho Chu Mộng Châu bỏ đi dễ dàng như vậy, gã lên tiếng:
- Anh muội ...
Đằng Anh đưa tay cản lại không muốn nghe nói nữa, giọng xen lẫn trách cứ:
- Mẫn ca thật là, chẳng lẽ đường là chỉ để người Quy Hồn Bảo đi, chứ cấm người khác đi?
Chu Mộng Châu đã đi khá xa, nhưng vẫn còn nghe rõ lời này, thầm nghĩ:
- Thằng cha sao hung hăng vậy, nhưng nữ nhân kia thì xem ra thông tình đạt lý, mà thằng cha có vẻ biết nghe lời ả kia, thực khó hiểu.
Chu Mộng Châu tiếp tục đi không quay đầu nhìn lại, trên đường sơn đạo vắng ngắt không thấy một bóng người. Đi một hơi có đến hai ba mươi dặm, mới nhìn thấy bên đường có một quán nước chè nhỏ, chàng cảm thấy cổ hơi khô khát, liền bước vào gọi hai chén trà mát, từ từ uống.
Vừa uống chưa được mấy ngụm, Chu Mộng Châu có cảm giác đôi mắt chăm nhìn mình, nghiêng mình mới nhận ra chính ở chiếc bàn sát góc có hai gã đại hán đang ngồi, một gã mắt thô mày rậm, ngực nở eo thon như một lực sĩ. Một gã thì thấp lùn, tuổi chừng trên dưới bốn mươi, mặt hoắc cầm nhọn, mắt hí mày xếch, chính đang đưa mắt nhìn mình.
Khi Chu Mộng Châu nghiêng đầu nhìn chúng thì cả hai lập tức quay mặt lảng đi. Chu Mộng Châu ba năm qua được Đạo An phương trượng giáo huấn nhiều về hành xử giang hồ, nên lúc này đã có phần kinh nghiệm. Lúc ấy biết tình hình bất ổn, lập tức tính toán trong đầu.
Hai gã kia, ngược lại nhận ra Chu Mộng Châu cũng đã phát nghi, cứ thầm thì to nhỏ, mắt thì không ngừng liếc về phía chàng theo dõi qua một lúc, như thương lượng xong, thì thấy hai gã kia gọi chủ tính tiền trả rồi bỏ đi. Trước khi ra khỏi quán, họ không quên liếc nhìn lại Chu Mộng Châu lần cuối.
Chu Mộng Châu đã biết bọn họ là người trong võ lâm, nghĩ chẳng ân chẳng oán, không nên tìm phiền phức làm gì. Nên ngồi uống hết hai chén trà, nghỉ mệt một lúc nữa, rồi cũng tính tiền tiếp tục lên đường.
Đi chưa được năm dặm, bỗng nghe cánh rừng bên trái có tiếng người kêu cứu rất gấp.
Chu Mộng Châu không chút do dự phóng chạy về hướng đó.
Chừng chưa đầy mười trượng, đã nhìn thấy chính hai gã đại hán lúc nãy ngồi trong quán đang uy hiếp một lão già. Tên mày rậm đạp lên người lão già, còn tên gầy nhỏ thì đưa tay giật lấy chiếc túi vải đựng tiền của lão già.
Lão già cố mang hai tay ôm lấy chiếc túi không để bị cướp, miệng thì la cứu inh ỏi, gã mày rậm tức giận quát:
- Ta chỉ mượn tiền ngươi, cũng đã là phúc cho ngươi lắm rồi, còn không chịu để tiền đi thay người, thì ông cho ngươi một dao!
Gã vừa nói vừa vung đao lên từ từ chém xuống người lão già. Chu Mộng Châu lẽ nào thấy người chết không cứu, liền la lớn:
- Ngừng tay!
Vừa la vừa ném viên đá nhặt sẵn lúc nãy.
“Kong " một tiếng, thanh đao vuột khỏi tay tên kia rơi xuống đất.
Tên mày rậm quay phắt đầu nhìn lại, mới hay người xuất hiện lại là thiếu niên lúc nãy gặp trong quán, hắn lớn tiếng chửi:
- Mẹ kiếp! Thằng nhãi, ngươi dám xía vào chuyện của ông?
Chu Mộng Châu bình thản nói:
- Ta đương nhiên chẳng muốn xía vào chuyện của các người, nhưng các người cũng không nên cướp giết cụ già.
Gã mặt choắt liền nắm đao nhảy phắt tới, nói:
- Đại ca, thằng nhãi này lắm chuyện, để tiểu đệ lượm hắn.
Gã mày rậm "hừm" một tiếng, rồi cũng nhặt lấy đao nhảy tới theo chân đồng bọn, một trước một sau vây Chu Mộng Châu lại, vung đao tấn công.
Đao chưa kịp tới người Chu Mộng Châu, bỗng thấy mới vệt sáng vàng lóe lên rồi tắt nhanh, đồng thời "kong kong" liền hai tiếng, hai thanh đao của bọn kia đều vuột khỏi tay rơi lăn lóc trên đất, cả hai thất sắc thoát lùi về sau.
Chu Mộng Châu chính lúc đang tính toán đối phó, bất thần tình hình đột biến nhanh như vậy, thực cũng chẳng hiểu ra chuyện gì, đứng ngớ người đưa mắt nhìn quanh.
Hai gã đại hán đưa mắt nhìn nhau, rón rén đến nhặt kiếm lên, nhìn Chu Mộng Châu với vẻ căm phẫn, rồi phóng người bỏ chạy mất.
Lão già đứng lên, đến trước mặt Chu Mộng Châu quỳ xuống lạy tạ, Chu Mộng Châu vội đỡ lão già đứng lên. Lão già miệng không ngớt lời tạ ơn, đoạn quay người định cáo từ.
Nhưng đúng lúc ấy thêm một bóng người xuất hiện.
Chu Mộng Châu vừa nhìn thấy người này thì vô cùng vui mừng, chẳng ngờ lại chính là thiếu nữ ba năm trước gặp trong tiểu trấn, sau đó hai lần cứu mình thoát hiểm. Lão già nhìn thấy thiếu nữ đột ngột xuất hiện thì mắt biến sắc. Chu Mộng Châu vội trấn an:
- Lão trương đừng sợ, vị này là bằng hữu của tôi.
Nhưng thiếu nữ mặt bỗng lạnh lại, hừ một tiếng nói:
- Xem mấy năm nay công phu của ngươi luyện thế nào?
Chu Mộng Châu giật mình thầm nghĩ:
- Cứ như chuyện gì của ta, cô ta cũng đều biết hết!
Thiếu nữ lại nhìn lão già mặt lạnh như tiền, nói:
- Định múa rìu qua mắt thợ ư? Thế nào, ngươi tự đưa ra hay đợi ta ra tay lấy?
Lão già cười khan mấy tiếng, rồi vừa gật đầu vừa tự mình cởi chiếc túi vải đựng tiền lấy ra một bọc vải vàng. Chu Mộng Châu vừa nhìn thấy thì giật mình la lên:
- Oái, sao bọc vải này giống bọc vải của ta vậy?
Thiếu nữ đưa tay lấy lại bọc vải vàng trao cho Chu Mộng Châu, như cười mà không phải cười nói:
- Cẩn thận cất vào, chớ để bọn lưu manh nẫng mất!
Chu Mộng Châu lúc này mới sờ vào người, thì phát hiện ra túi vải bọc pho tượng lúc nãy giấu trong người không cánh mà bay mất. Bất giấc la lên:
- Ai da, may chết tôi!
Thiếu nữ bật cười thành tiếng, nói:
- Chỉ chuyện nhỏ vậy mà đã giật thót cả người, nên biết trong giang hồ chuyện gì cũng có thể xảy ra, sau này lúc nào cũng cần phải thận trọng cảnh giác.
Chu Mộng Châu ngớ người một hồi mới hiểu ra hết sự tình, tay nhận lại chiếc bọc vải vàng, miệng ấp úng hổ thẹn nói lời cảm tạ.
Thiếu nữ cười nói:
- Đừng khách khí, không biết chừng sau này có lúc ta nhờ vả đến ngươi!
Chu Mộng Châu lúc này đối với thiếu nữ không phải là cảm kích, mà còn cảm giác có một tình cảm rất thân thiết, khi ấy vỗ ngực nói khẳng khái:
- Tỷ tỷ, sau này có chuyện gì cần đến tiểu đệ xin cứ nói một tiếng, dầu nhảy vào dầu sôi lửa bỏng, tiểu đệ quyết bất từ nan.
Hai tiếng "tỷ tỷ " gọi rất tự nhiên, khiến thiếu nữ cảm thấy vui sướng, cúi đầu trầm ngâm một lúc, cười nói:
- Ta đi, tạm biệt!
Chu Mộng Châu có nhiều lời muốn nói, thế nhưng chẳng biết nên bắt đầu thế nào, khi ấy nghe lời thiếu nữ chào tạm biệt thì buột miệng gọi lên:
- Tỷ tỷ ... tỷ . ...
Thiếu nữ không đợi chàng ta kịp nói, nhìn một cách sâu sắc nói:
- Ta còn việc cần làm, thân thế của ngươi ta đã rõ, chúng ta ngày sau còn nhiều cơ hội gặp lại.
Nói rồi nhún mình phóng đi, để lại một mình Chu Mộng Châu vẫn đứng ngây người nhìn theo.
Chàng như thất thần dõi mắt trông theo bóng thiếu nữ đến khi khuất hẳn trong cánh rừng, cảm thấy thiếu nữ có sức lôi cuốn lạ thường, đồng thời thầm phục cô ta như một vị đại tỷ tốt với tiểu đệ và cảm giác cô ta là người thân duy nhất trong đời mình.
Đứng bần thần nghĩ ngợi một lúc, chàng thở dài một hơi, đoạn ra khỏi cánh rừng đi tiếp.
Chẳng bao lâu lại vào một sơn trấn khác, khi này trời còn sớm, nghĩ sợ chạm mặt đôi nam nữ hồi sáng, nên Chu Mộng Châu quyết đinh đi tiếp.
Lát sau, đoạn đường núi trở nên hiểm trở khó khăn, may lúc này nội công của Chu Mộng Châu đã khá thâm hậu, nên mới vượt qua dễ dàng. Khi trời sập tối thì Chu Mộng Châu đến một cụm núi, chàng nghĩ cần tìm nơi nào trú qua đêm. Nhưng ở đây rừng núi, làm gì có nhân dân, may ra thì có thể tìm thấy ngôi miếu hoang trú tạm. Khi ấy quyết định vượt lên một mỏm núi đưa mắt nhìn quanh quan sát, phút sau thấy xa xa một mảng xanh tợ như mái ngói lẩn khuất dưới bóng cây. Chu Mộng Châu nhắm đúng hướng ấy mà phóng chạy tới.
Qua chừng tuần trà, Chu Mộng Châu đến lần thì đã thấy đúng là một ngôi miếu tường vàng ngói xanh, ghé mắt nhìn vào trong theo lỗ tò vò thấy thờ tự rất chỉnh tề ngay ngắn, chàng nghi nhất định có người tu hành ở đây. Bèn đưa tay gõ cửa, nhưng không nghe thấy tiếng đáp.
Chốc lát, chàng gõ lần thứ hai, nhưng bên trong vẫn im lặng. Chu Mộng Châu thấy hơi kỳ, bèn đưa tay đẩy cửa, nào ngờ chỉ khép hờ, lập tức mở toang ra.
Chu Mộng Châu lập tức bước chân vào trong, lúc này quan sát kỹ mới thấy trên bệ thờ và nền nhà một lớp bụi mỏng, chàng thầm nghĩ:
- Tăng chúng đâu mà chẳng quét dọn nhỉ?
Chàng định tiếng hỏi, nhưng hỏi mấy lần vãn không một động tĩnh. Trong lòng càng ngạc nhiên hơn, khi ấy mạnh dạn đi khắp một vòng, trong miếu vắng ngắt không một bóng người. Chàng tiện chân bước vào bếp, thấy trên bếp một nồi cơm đã nấu chín tự bao giờ, cơm nguội lanh. Lại sờ vào bếp, tro bếp lạnh tanh, chứng tỏ nồi cơm đã nấu từ mấy ngày trước đó. Nhưng vì sao nấu rồi lại không ăn, mà bỏ đi đâu.
Chu Mộng Châu thấy tình hình có gì khác thường, thế nhưng trời đã tối thế này, đằng nào cũng cứ nghỉ tạm qua đêm rồi hẵng hay. Nghĩ vậy chàng trở lại chính điện, đốt nến lên rồi ngồi xuống lấy lương khô ra ăn, ăn xong, ngồi vào luyện công, thêm một lát nữa mới lui hậu đường ngủ.
Lúc đầu, đã định vào tăng phòng ngủ, thế nhưng thấy không ổn, nhỡ nữa đêm chủ nhân ở đây trở về thấy có người lạ trong phòng mình chắc chắn không hài lòng.
Khi ấy lui vào bếp, tìm một góc để cỏ khô nằm lên mà ngủ.
Đang ngủ ngon, bỗng có tiếng ồn khiến Chu Mộng Châu tỉnh giấc, ban đầu lòng nghe thì như tăng chúng ở đây trở về, thế nhưng qua một lúc lại nghe ra như đã có chuyện bất thường xảy ra. Tiếng binh khí chạm nhau loảng xoảng, lại kèm theo tiếng nhảy thình thịch.
Chu Mộng Châu trong lòng kịch động, liền nhổm người ngồi dậy, mang tay nải lên lưng, bước ra khỏi nhà bếp. Đúng lúc áy từ phía chánh điện một tiếng rú dài thê thảm vọng lại chỉ nghe cũng đủ biết có người trúng thương.
Biết đã xảy ra ẩu đả dữ dội, Chu Mộng Châu liền tung người nhảy lên mái ngói, theo hành lang chạy ra đến mái đại điện, phủ phục thân hình trên mái ngói đưa mắt nhìn xuống.
Lúc này chàng càng chấn động hơn.
Nguyên là, dưới sân đại điện, một con vượn cao có đến hơn trương, toàn thân lông trắng bạc, tay dài chấm đất, mắt như hai đốm lửa, chính đang đánh nhau với một thiếu phụ.
Một góc sân còn có thêm một người nằm bất tỉnh nhân sự. Lúc này Chu Mộng Châu đã nhìn ra thiếu phụ áo hồng đang đánh nhau với con vượn kia là ai. Chàng phán đoán người áo đen nằm đống ở góc điện kia chính là gã trung niên đi cùng với thiếu phụ hôm trước. Nhìn tình hình thì chừng như y đang thọ trọng thương.
Tiếng rú thảm vừa rồi nhất định do y phát ra khi trúng thương. Có điều Chu Mộng Châu không biết quái vật này từ đâu xuất hiện, tại sao đôi nam nữ này lại đánh nhau với nó?
Bấy giờ nhìn thấy thiếu phụ người nhỏ nhắn nhanh nhẹn thoái né đòn, tiến vào chiêu, nhất nhất chuẩn xác mau lẹ, thanh trường kiếm trong tay cứ phát chiêu tấn công liên tục. Có điều, mấy lần Chu Mộng Châu thấy kiếm của thiếu phụ đâm trúng con vượn, thế nhưng nó chẳng hề bị thương, đủ thấy nó lợi hại thế nào rồi. Ngược lại thiếu phu do tiếp cận vào chiêu, nên sơ hở là bị con vượn vung tay tát vào người. May mà chưa có trúng chính xác đòn nào, chứ bàn tay to lớn của nó đánh trúng một cái, có lẽ vỡ ngực như chơi.
Con vượn to lớn dềnh dàng, thoạt nhìn như chậm chạp, nhưng kỳ thực động tác rất nhanh nhẹn linh lợi. Chỉ cần thiếu phụ chậm tay một chút là hai tay dài ngoằng của nó liền vươn tới ôm chầm lấy người thị, khiến thị hốt hoảng phải nhảy né khắp cả sân điện.
Đánh nhau một hồi, nhiều lần phóng kiếm mà vẫn không làm gì được con vượn, thiếu phụ động tác xem ra đã chậm lại. Ban đầu thì chủ động tấn công, nhưng đến giờ thì ở thế hạ phong, chỉ thấy nhảy né tránh là chính. Bằng vào thần pháp của mình, lách bên tả, né bên hữu, thoăn thoắt như con thoi. Con vượn ngược lại lại càng hứng thú, kêu dài mấy tiếng quái đản, truy đuổi theo thiếu phụ rất gấp.
Đánh nhau thêm một lúc nữa, Chu Mộng Châu nhìn mà hoa cả mắt, chàng vốn nghĩ xuất hiện ứng cứu thiếu phụ, thế nhưng trong tay không một tất sắc mà con vượn thân hình cao lớn dị thường, da thịt lại kiếm chém không vào, biết làm gì được hắn đây?
Lúc này thiếu phụ càng lúc càng rơi vào thế nguy hiểm, ban đầu còn linh lợi bằng thân pháp của mình nhảy né, nhưng lúc này đã thấm mệt nên chậm lại. Bây giờ như nghĩ kế, thị liền nhảy ra sân chạy quanh hai gốc cây đại thụ lớn có đến một người ôm mới xuể, né tránh con vượn.
Con vượn đuổi tròn gốc mấy vòng, thấy hai gốc cây làm vướng tầm nhìn và cản trở việc của nó, nó kêu lên mấy tiếng dài rồi bất thần vung tay lên đánh xuống thân cây một cái. Chỉ nghe “ầm" một tiếng, cả thân cây to như vậy mà trúng một cái tát của con vượn, cũng gãy làm hai, đổ lên mái ngói khiến ngói vỡ một mảng lớn.
Con vượn nhe răng cười mấy tiếng quái dị, rồi vung tay đánh thêm một cái nữa, gốc cây thứ hai lập tức gãy ngang, theo tiếng cây đổ là ngói vỡ rầm rầm. Chu Mộng Châu cũng bị khiếp hồn, may mà góc chàng nấp người không bị suy suyển gì.
Thiếu phụ đứng sững cả người, nhất thời không biết nên làm gì, chính trong tích tắc ấy đã thấy đôi tay vượn chộp tới ngực của thị. Thiếu phụ khi sực tỉnh giật mình thì cũng như đã muộn, có nhảy tránh cũng không kịp.
Chu Mộng Châu nhìn đến đó, bất giác buột mồm la lên:
- Oái?
Thính giác con vượn rất tinh, mặc dù tiếng buột miệng của Chu Mộng Châu không lớn, thế nhưng nó cũng phát hiện ra, nhất thời đôi tay của nó hơi khựng lại.
Thiếu phụ trong cảnh nghìn cân treo sợi tóc, thấy có cơ hội liền phóng kiếm hết sức bình sinh ngay huyệt Mi tâm giữa trán con vượn, đồng thời thân hình nhảy mạnh về sau.
Con rượn cũng nhanh không kém, nó vung tay phải gạt phăng thanh kiếm, tay trái vồ tới chộp vào người thiếu phu. Mặc dầu thoát hiểm, nhưng nghe “xoạt " một tiếng, áo trước ngực thiếu phụ bị rách một mảnh.
Thiếu phụ mặt tái nhợt nhạt như đã quá mệt, nên đứng thừ người mà thở, mắt nhìn con vượn vẻ hoảng sợ.
Con vượn ngược lại trúng một kiếm tuy đã thấy có máu chảy ra, nhưng xem vẻ không hề hấn gì. Nó vung mảnh áo rách lên trời, nhe răng cười mấy tiếng quái dị rồi nhào người tới vồ lấy thiếu phụ.
Thiếu phụ vừa sợ vừa căm tức tột độ, thấy không còn đường né tránh, nghiến răng tung song cước lên nhắm đúng cặp mắt con vượn, chỉ thấy con vượn né đầu tránh qua, hai tay chộp vào người thiếu phụ giật mạnh một cái, hầu như chiếc trường bào trên thân thiếu phụ bị xé rách tận, cả người thiếu phụ lại rơi phịch trên đất.
Con vượn lại cười dài mấy tiếng, nó bước tới chúi mỏ vào người thiếu phụ mà ngửi.
Chu Mộng Châu nhìn đến đó không chịu nổi, thét lớn một tiếng quát:
- Con súc sinh đáng chết!
Theo tiếng quát, cả người nhào xuống vận sức bình sinh giáng một quyền vào gáy con trợn.
“Bình " một tiếng, con vượn vươn tay ra sau hất một cái, Chu Mộng Châu nhào lùi sau mấy vòng. Nó trúng một quyền mà chẳng hề thấy đau đớn, Chu Mộng Châu ngược lại tái mặt kinh động.
Thiếu phụ lúc này cũng nhận ra có người ứng cứu, liền la lớn:
- Nhanh nhặt kiếm đâm vào âm môn của nó!
Chu Mộng Châu nghe vậy liền đảo mắt tìm quanh, đã nhận ra thanh kiếm nằm trên nền đất cạnh chàng không xa, liền nhảy đến chộp kiếm xông tới con vượn. Lúc này con vượn vừa bước tới hướng thiếu phụ vừa cười khùng khục tựa hồ như không cần để ý đến sự có mặt của Chu Mộng Châu.
Chu Mộng Châu hai tay nắm chặt kiếm, vận hết sức bình sinh nhắm đúng âm môn của con vượn đâm tới như lời thiếu phụ mách nước.
Chỉ nghe một tiếng gầm như trời long đất lở, thanh kiếm trong tay Chu Mộng Châu bị chấn động mạnh, đến hai tay nắm cũng không được, vuột khỏi tay bay mất gần như cùng lúc con vượn nhảy dựng lên cao có cả trượng, gầm rú như điên như cuồng, rồi phóng người tháo chạy mất dạng trong bóng đêm.
Chu Mộng châu đứng sững người một lúc mới hiểu ra một kiếm vừa rồi trúng đích, khiến con vượn đau đến phát hoảng bỏ chạy. Cúi đầu nhìn mới hay thiếu phụ nằm bất tỉnh nhân sự.
Chu Mộng châu giật mình, thầm kêu lên:
- Chẳng lẽ ta ra tay cứu người chậm một bước?
Nhưng định thần nhìn thì thấy ngực thiếu phụ còn thoi thóp thở, chính cái nhìn này cũng khiến cho Chu Mộng Châu đỏ cả mặt lên, tim đập loạn xạ.
Nguyên thiếu phụ sau tiếng gầm của con vượn đã khiếp sợ đến ngất đi, người tợ hồ như lõa thể, chính bộ ngực căng phồng và làn da trắng mịn đã khiến cho một chàng trai mới lớn như Chu Mộng Châu không cương nổi tính dục phát triển tự nhiên trong người.
Chu Mộng Châu trong đầu có ý nghĩ đến xem thương thế cô ta thế nào để cứu, thế nhưng đôi chân nặng trĩu cứ trồng chết xuống đất, đôi mắt thì dán chặt vào người thiếu phụ không dời đi được.
Chết khựng một lúc, Chu Mộng Châu cố trấn tĩnh, thầm bảo:
- Chu Mộng Châu! Chu Mộng Châu! Ngươi không được nhìn cô ta nữa!
Thế nhưng thân hình thiếu phụ như có một lực hút cực mạnh, khiến đôi mắt của Chu Mộng Châu như không còn chịu sự sai bảo của chàng.
Cứ như vậy qua thêm một lúc nữa, bỗng thiếu phụ người hơi cựa quậy, miệng rên lên khe khẽ. Lúc này Chu Mộng Châu mới giật thót mình sực tỉnh, thầm nói:
- Chu Mộng Châu, ngươi thực đáng chết!
Rồi dứt khoát đưa mắt nhìn đi nơi khác, đồng thời bước dạt ra hai bước.
Thiếu phụ trên người vẫn không bị thương tích gì nặng, chỉ vì vừa rồi hứng trọn tiếng thét gầm trời sụp đất lở của con vượn, nên bất tỉnh mà thôi. Lúc này vừa tỉnh lại, đập vào mắt thiếu phụ chính là Chu Mộng Châu.
Nhớ lại chuyện vừa xảy ra, hiểu chính chàng ra tay cứu mình, bất giác trên môi hiện nụ cười.
Thiếu phụ thấy Chu Mộng Châu cứ đứng nhìn nơi khác, lúc ấy chống hai khuỷu tay định ngồi dậy, nhưng bỗng buột miệng "á " lên một tiếng, thả người nằm xuống đất lại. Nguyên do chính vì lúc này cô ta mới nhận ra cả người gần như khỏa thân, vội tay che mặt, tay kéo bên này bên kia những mảnh áo rách che kín ngực, miệng la lớn:
- Đi chỗ khác!
Chu Mộng Châu vốn đã quay mặt nơi khác từ đầu, lúc này nghe vậy liền bước thẳng đến hướng gã đại hán nằm đống ở góc tường. Lúc nãy gã đại hắn mặt xám như tro, hơi thở như có như không, bên khóe môi vẫn còn rỉ máu, tình trạng trông bi đát.
Chu Mộng Châu hết đưa tay sờ mạch, lại sờ mũi, xem chừng tính mạng của gã rất nguy cấp. Thương thế trầm trọng, lại để lâu mất máu nhiều. Lúc này Chu Mộng Châu đã xem xét biết thương thế của gã ta là đã bị gãy tay kèm theo vết thương nguy hiểm ở sau đầu.
Chu Mộng Châu lắc đầu thở ra, nghĩ đến khó có chút hy vọng cứu nổi.
Thời gian Chu Mộng Châu xem xét thương tích của gã hán tử cũng khá lâu đủ để thiếu phụ sửa lại áo xống. Chẳng ngờ chờ một lúc cũng không thấy cô ta nói gì, lắng tai nghe ngóng cũng không một động tỉnh. Trong lòng lấy làm lạ định quay đầu nhìn lại, nhưng lại sợ thiếu phụ chưa chỉnh tề lại áo quần, chính lúc này một vật gì rơi bên người chàng.
Chu Mộng Châu thấy một vật đen nhỏ, cúi người nhặt lên, thì nghe thiếu phụ nói:
- Thương thế của y xem ra rất nặng, tiểu huynh đệ thứ dùng đan dược cho uống thử xem, cứu được hay không còn chờ số trời.
Chu Mộng Châu nghe vậy liền không dám chạm trễ, mở hộp lấy ra viên thuốc nhét vào miệng gã, thế nhưng miệng ngậm cứng, chàng đành phải dùng một tay bóp vào hàm sai, khiến miệng hé ra mới cho thuốc vào được.
Thiếu phụ phía sau lại hỏi:
- Tiểu huynh đệ, trong tay nải ngươi có sẵn áo quần chớ? Cho ta mượn tạm một bộ nhé!
Chu Mộng Châu lúc này mới nhớ ra áo quần thiếu phụ hầu như bị con vượn xé tan nát, chung quy không thể nào chắp vá lại được, cho nên cả buổi chẳng nghe lên tiếng.
Lúc này liền gật đầu đáp ngay:
- Có, có!
Chu Mộng Châu gỡ tay nải trên lưng xuống, trong tay nải của chàng ngoài chiếc hộp gỗ đựng pho tượng La Hán ra, còn có một bộ áo quần để thay đổi và ít tiền. Chàng nắm lấy bộ áo quần trên tay mà còn ngần ngại chưa biết làm thế nào.
Thiếu phụ thấy thế, liền nói:
- Ngươi cứ quay lưng như vậy mà đi thụt lùi là được!
Chu Mộng Châu thấy cách này có vẻ hợp lý, bấy giờ cứ từng bước đi thụt lùi về phía thiếu phụ.
Thiếu phụ nhìn thấy thế, quên cả đau đớn trong người, bật cười thành tiếng nói:
- Thôi được rồi, giờ thì cứ ném lui đây?
Chu Mộng Châu theo lời cô ta, định phương hướng của thiếu phụ rồi ném ngược bộ áo quần về phía ấy.
Thiếu phụ tuy thế cũng phải vất vả và nén đau mới bò đến lấy được bộ áo quần của Chu Mộng Châu, rồi từng bước khập khiễng đi đến bên chàng. Chu Mộng Châu vội hỏi:
- Cô mặc xong áo quần rồi nhứ?
Thiếu phụ nghe vậy đáp giọng pha chút trách móc:
- Ngươi xem ta là hạng người thế nào chứ? Chẳng lẽ ta thích để lõa lồ như thế ư?
Chu Mộng Châu bị hỏi vặn một câu thì im bặt chẳng nói gì được.
Thiếu phụ thấy chàng sượng người lúng túng thì áy náy trong lòng, bỗng đến bên chàng nhẹ miệng nói:
- Ân cứu mạng này thực không dám cảm ơn suông, từ nay về sau chỉ cần thiếu hiệp có việc gì, xin cứ báo về Quy Hồn Bảo một tiếng, Câu Hồn Diễm Sứ Đằng Anh này sẽ có mặt ngay, dẫu nhảy dầu sôi lửa bỏng, quyết không từ nan.
Vừa nói thiếu phụ vừa chấp tay vái dài. Chu Mông Châu đâm ra lúng túng, vội xua tay nói:
- Giữa đường thấy người gặp nạn ra tay cứu trợ là chuyện thường tình của người võ lâm chúng ta. Cô nương chớ có bận tâm.
Câu Hồn Diễm Sứ Đần Anh lúc ấy ngồi xuống bên gã đại hán đưa tay sờ lên mũi gã, rồi lại sờ lên ngực nghe ngóng một lúc, thở dài than:
- Ài, chẳng ngờ lão huynh lại bỏ mạng trong tay con súc sinh kia?
Chu Mông Châu giật mình hỏi:
- Ông ta chết rồi sao?
Đằng Anh thần sắc ảm đạm, buông tiếng:
- Chết rồi! Chúng ta tìm nơi nào đào hố chôn cất cẩn thận, tránh để chết rồi còn phải chịu mưa gió hành tội.
Chu Mộng Châu nhìn vào nội điện, nói:
- Cô nương mệt lắm rồi, cứ vào trong ngồi nghỉ, chuyện này cứ để tôi lo cho!
Đằng Anh ngước mắt nhìn chàng, hỏi:
- Lão huynh của ta trước đây từng ức hiếp thiếu hiệp, thiếu hiệp không hận anh ấy sao?
- Ồ, người chết thì đã chết, còn ân oán làm gì, vả lại cũng chưa làm gì hại đến tôi.
- Ài, tấm lòng thiếu hiệp thật quảng đại!
Chu Mộng Châu hai tay bế xác gã đại hán lên, nói:
- Tôi mang ông ấy lui hậu viện tìm chỗ chôn cất?
Nói rồi, chàng cứ bế cái xác đi thẳng lui hậu viện, tìm trong bếp có cuốc xuổng, mang ra đào hố chôn cái xác. Lúc chiếc hố đào xong, chuẩn bị đặt cái xác xuống hố, thì thiếu phụ từ trong đại điện đi tới, nói vội:
- Hãy chậm tay!
Chu Mộng Châu quay đầu hỏi:
- Chuyện gì thế?
Đằng Anh nói:
- Nghĩ lại giữa chúng tôi cùng có một đoạn tình cảm với nhau, lý ra phải nên tự tay chôn anh ta mới phải đạo.
Chu Mộng Châu đột nhiên nhớ đến một chuyện, bất giác mặt ửng đỏ lên, nói:
- Cô nương chừng như ...
Nói đến đó chợt thấy bất tiện bèn thôi, nhưng Đằng Anh ngước mắt nhìn chăm chàng, hỏi dồn:
- Tôi ... tôi chừng như thế nào?
Chu Mộng Châu vốn định nói:
- Cô nương chừng như rất thương hắn!
Nhưng thấy Đằng Anh hỏi vậy bên đổi lại:
- Cô nương chừng như đối với ta ông ta rất tốt!
Đằng Anh thờ dài nói:
- Chúng tôi từ nhỏ bên nhau mà trưởng thành.
Chu Mộng Châu hai tay đã bế cái xác nhưng chưa đặt xuống huyệt, mắt cứ nhìn chăm cái xác mà trong lòng khỏi chút đố kỵ, thầm nghĩ:
- Hắn tuy chết rồi, nhưng vẫn có được một người bạn lữ than khóc cho hắn, còn ta thì sao?
Tuy sống đây nhưng đến một người bằng hữu tri tâm nói một câu tâm sự cũng không có!
Chu Mộng Châu suy nghĩ đến thẫn thờ, cái xác ôm trong tay quên cả đặt xuống huyệt.
Đằng Anh thấy thế la lên:
- Í, ngươi làm sao vậy?
Chu Mộng Châu giật mình sực tỉnh, ấp úng nói:
- Tôi ... tôi đang nghĩ, người ta chết ... thực dễ dàng, cứ như ông này trước đây một canh giờ còn nói còn cười, vậy mà giờ đây đến nói một tiếng cũng không được. Cô nương thử nghĩ sự tình khó lý giải không chứ?
- Thôi được chuyện này tạm gác lại lúc khác đàm luận. Nói hết cứ đặt xác anh ta xuống đi.
Chu Mộng Châu cúi thấp người đặt cái xác xuống huyệt. Đằng Anh liền nói:
- Trong áo anh ta có một chiếc cờ tam giác, thiếu hiệp lấy ra đi!
Chu Mộng Châu nghe theo lời, từ trong áo gã đại hán lục lấy ra được một chiếc cờ vải nhỏ màu trắng, chính giữa chiếc cờ tam giác là hình một con chim ưng khâu chỉ đen, xung quanh là hình sáu ngôi sao lớn bằng nhau.
Đằng Anh dùng kiếm cắt một nhúm tóc của mình kết lại thấy bỏ nhỏ, vứt xuống huyệt nói:
- Được rồi, giờ lấp đất đi.
Chu Mộng Châu theo lời Đằng Anh lát sau đã lấp kín huyệt, đắp thêm một nắm đất nhỏ nữa mới coi như xong việc.
Đằng Anh khi ấy nói:
- Chiếc cờ tam giác này chính là tín vật của Quy Hồn Bảo, người trong giang hồ có nó trong tay, ít nhiều đều có được sự chiếu cố. Tôi thấy thiếu hiệp còn nhỏ tuổi, lại đơn thân hành tẩu giang hồ, khó tránh gặp nhiều rắc rối, nên giữ lấy tiểu kỳ này trong người, nhất định sẽ được sự hỗ trợ lớn.
Chu Mộng Châu nói:
- Đã là tín vật của Quy Hồn Bảo, cô nương nên giữ tốt hơn. Tôi tuy hành tẩu giang hồ, nhưng nếu biết nhẫn nhịn, thì mọi sự có lẽ không đến nổi phiền phức lắm đâu!
Đằng Anh thấy Chu Mộng Châu từ chối không nhận, nói:
- Thôi vậy, chiếc tiểu kỳ này tuy có thể giúp thiếu hiệp tránh ít nhiều phiền hà, nhưng cũng có thể mang lại không ít rắc rối, thiếu hiệp không nhận cũng được.
Nói rồi, Đằng Anh cất chiếc lệnh kỳ vào áo.
Chu Mộng Châu nói:
- Cô nương hẳn đã rất mệt, nên đi nghỉ lấy sức.
Chu Mộng Châu đầu hôm ngủ trong đống cỏ khô ở bếp, nhưng lúc này thấy Đằng Anh thân thọ thương, cần nghỉ ngơi thoải mái nên liền đi trước dẫn cô ta đến tăng phòng, giúp cô ta chuẩn bị chỗ ngủ.
Đằng Anh thấy vết thương do bị móng con vượn cào trên người, tuy không nặng nhưng da thịt thì thấy đau ê ẩm, lúc này cần sự trợ giúp của Chu Mộng Châu, cho nên không từ chối chàng giúp đỡ sữa soạn chỗ ngủ.
Chu Mộng Châu đợi đến khi Đằng Anh lên giường ngủ thiếp đi, khi ấy mới trở lại nhà bếp ngủ trên đống cỏ khô.
Phần đêm còn lại chóng qua.
Chu Mộng Châu thức dậy thì mặt trời đã lên cao, chàng luyện công buổi sáng như thường lệ, rồi mới một mình rảo quanh ngôi cổ miếu.
Đến trước sàn điện, nhìn thấy hai cây cổ thụ lớn đến người ôm bị gãy ngang. Chu Mộng Châu nhớ lại cảnh tượng đêm hồi hôm, con vượn to lớn dị thường, có sức mạnh kinh hồn, bất giấc rùng người như còn khiếp sợ.
Chu Mộng Châu rảo quanh sân quan sát, thấy máu khô đóng vung vảy, nhưng nhiều nhất là đám máu lớn cạch hai gốc cây không xa, chàng đoán định chính là máu của con vượn khi trúng một kiếm sau cùng của chàng.
Lại đi rảo khắp cổ miếu một vòng nữa, thấy mặt trời đã lên gần đứng bóng, thế nhưng tăng phòng, nơi Đằng Anh nghỉ vẫn đóng im ỉm. Chu Mộng Châu trong đầu nhớ lại chuyện đêm hôm trước, Đằng Anh cùng phòng với gã đại hán đã chết nói cười thân mật, rồi hôm qua khi trên đường lại cùng gã cười cợt đến chối mắt, cho đến hồi hôm cái nhìn của thị cũng có sức quyến rũ kỳ lạ, thực khiến người ta phải nghĩ thị nhất đinh là hạng nữ nhân chẳng được đoan chính, lát sau lại nghĩ mình còn có chuyện của mình phải làm, gặp Đằng Anh cũng chỉ là chuyện hết sức tình cờ giữa đường, không có lý do gì mà ở lâu với cô ta. Nghĩ đến đó, quyết không chờ Đằng Anh thức dậy nói lời từ biệt, mà lên đường rời ngôi cổ miếu ngay.
Vượt qua bờ tường, đi được một quảng xa rồi, nhưng đầu Chu Mộng Châu lại nghĩ mông lung, lát sau lại nghĩ đến Đằng Anh, chàng thầm nghĩ:
- Cô ta ngủ đến trưa thế này mà chưa dậy nổi, có lẽ không chỉ vì mệt mỏi mà còn vì những vết cào trên người. Biết đâu những móng vuốt của con vượn chẳng có độc?
Chu Mộng Châu chỉ nghĩ đến khả năng đó, tự dưng lòng áy náy bất an, rồi quyết định quay chạy trở lại ngôi miếu. Nhưng chạy chưa được tầm tên, thì khựng chân đứng lại, lòng nghĩ:
- Sinh tử có mạng, phú quý tại trời, nếu hồi đêm cô ta không gặp mình thì có lẽ đã bỏ mạng từ lâu rồi, đủ thấy mạng cô ta nhất định thoát nạn này. Cho nên đã thoát đại nạn tất thoát tiểu nạn, không thế nguy hiểm đến tính mạng được, không có khả năng chết, ta có gì phải lo lắng nho cô ta chứ?
Nghĩ đến đó, lại quay đầu đi lên hướng tây bắc, nhưng chạy được một đoạn, trong lòng tự nhiên lại khởi sinh ý niệm khác:
- Ài, đã cứu người sao không cứu đến nơi đến chốn, chỉ còn trở lại nép bên ngoài phòng nhìn vào, thấy nàng ta ngủ ngon lành vô sự thì đi còn chưa muộn. Có vậy ta mới thật sư yên tâm lên đường, đằng nào thì việc cứu người cũng còn quan trọng hơn tất cả!
Lần này thì nhất quyết trong lòng, quay người phóng như bay về hướng ngôi miếu không còn do dự nào nữa. Vào đến miếu, tình hình vẫn chẳng có gì thay đổi, Đằng Anh xem ra vẫn còn ngủ trong tăng phòng, cửa phòng vẫn đóng.
Chu Mộng Châu rón rén nhẹ chân đến bên cửa sổ, ghé tai vào cửa lắng nghe, bỗng chàng nhíu mày kinh ngạc, nguyên trong phòng có tiếng rên khẽ. Chu Mộng Châu biết có chuyên không ổn, liền chạy lại đấy cửa nhảy vào trong.
Chỉ thấy Đằng Anh mặt mày sưng lên đỏ gay, người lăn qua trở lại, miệng không ngớt rên rỉ, chứng tỏ cô ta rất đau đớn. Chu Mộng Châu chạy lại bên giường nhìn kỹ những vết cào sướt trên cổ và tay của cô ta sưng tấy, thầm nghĩ:
- Chẳng sai, móng vuốt con vượn có độc!
Tuy đã đoán ra nguyên do thương trạng của Đằng Anh, thế nhưng chàng vốn không có kiến thức lẫn kinh nghiệm trong trị thương, nên chưa biết phải quyết thế nào, khi ấy vắt óc suy nghĩ cách, chợt nghĩ Đằng Anh là nữ lưu giang hồ, từng trải lịch duyệt, có thể là biết cách trị thương độc, khi ấy liền gọi cô ta mấy lần.
Đằng Anh quả thật là bị độc phát tác, nhưng cũng chỉ mới giai đoạn đầu, trong lúc ngủ cơn đau hành hạ nên mơ màng la nhảm. Lúc này bị gọi lớn thì giật mình tỉnh lại nhìn thấy Chu Mộng Châu đứng đầu giường vẻ khẩn trương, thì hỏi:
- Chuyện gì vậy?
Cô ta không nói thì thôi, khi nói mới hay cổ họng khô rất cháy bỏng. Đằng Anh kinh động, định chống tay ngồi dậy, nhưng Chu Mộng Châu cản lại nói:
- Cô nương bị những vết cào của con vượn có độc phát tác hành hạ, xem có cách gì cứu được không?
Nghe Chu Mộng Châu nói vậy, Đằng Anh mới nhớ lại chuyện đêm qua, đồng thời nhận ra cả người nóng rát, ngũ tạng như lửa đốt, đầu óc nặng trĩu, mí mắt thậm chí nặng trĩu mở không lên, khi ấy kêu lớn:
- Nước . ... nước . ...
Chu Mộng Châu liền chay ra ngoài mực một gáo nước mang vào. Đằng Anh uống xong mấy hơi, thần trí hơi tỉnh lại, nhìn Chu Mộng Châu mơ hồ hỏi lại:
- Vừa rồi ngươi nói gì?
- Những vết cào sướt trên người cô nương bị sưng tấy, có lẽ do độc phát tác, cô nương xem có cách nào giải độc không?
Đằng Anh thấy kỳ, bèn hỏi:
- Vết sướt trong người ta, sao ngươi biết?
Chu Mộng Châu biết cô ta hiểu nhầm, bèn phân minh:
- Tôi chỉ nhìn nhưng vết sướt trên tay cô nương lộ ra bên ngoài bị sưng đỏ, nên mới đoán là như vậy.
Đằng Anh “à" lên một tiếng, đinh nhấc tay lên xem, thế nhưng cánh tay như nặng cả trăm cân, không thể nào tự nhấc lên được. Đằng Anh lúc này mới giật mình la lên thất kinh, chẳng ngờ vuốt con vượn lại độc hại đến thế, bất giác thở dài một hồi sóng sượt.
Chu Mộng Châu thấy thế hỏi:
- Có phải cô nương thấy không có cách cứu chữa?
- Ta muốn xem tình hình cánh tay thế nào, vậy mà nhấc lên cũng không tự chủ được.
- Nhưng cô nương thấy có cách nào cứu chữa không?
- Trước hết ta phải xem cánh tay thương độc thế nào mới quyết định.
Chu Mộng Châu trầm ngâm giây lát, nhẹ nhàng giúp nâng cánh tay cô ta lên cao, nói:
- Cô nương nhìn cho kỹ!
Đằng Anh nhướng mắt nhìn, thực ra dầu muốn cựa quậy cũng không được, chỉ là đôi nhãn châu chuyển động, sau một hồi xem xét thở dài nhắm mắt lại.
Chu Mộng Châu đặt tay cô ta xuồng, hốt hoảng hỏi:
- Thật chẳng có cách gì sao?
Đằng Anh la lên:
- Chớ quá náo động, để ta nghĩ xem!
Nàng nhắm mắt như nghĩ ngợi một lúc, bỗng kêu lên:
- Nước!
Chu Mộng Châu nghe thế thấy lấy làm lạ, vặn hỏi lại:
- Nước à? Nước có thể giải cứu à?
- Ài, ta cần uống nước, ngươi cứ dội một ít lên đầu ta.
Chu Mộng Châu lúc này mới vỡ lẽ, cô ta phát sốt trong người nên khát nước, khi ấy cho cô ta uống nước, rồi dùng tay tẩm ít nước lên trán Đằng Anh cho tỏa nhiệt.
Đằng Anh hơi tỉnh trí lại, nói:
- Ta nhớ ra hai phương thuốc, ngươi cứ dùng bút ghi lại, có lẽ không bao lâu nữa ta sẽ hôn mê đấy!
Chu Mộng Châu nghe thế liền tìm giấy bút, mài mực đem lại.
Thấy Đằng Anh lúc này mê mê tỉnh tỉnh, vội khoát nước vào mặt cô ta, giục nói:
- Đã có giấy bút rồi, cô nương đọc nhanh đi.
Đằng Anh thân nhiệt đã lên cao, nhờ những đợt nước dội mới hồi tỉnh thần khí, khi ấy đọc lên hai phương thuốc cho Chu Mộng Châu ghi vẻ rất vật vã ... cuối cùng nói:
- Một phương nấu ... dùng nước . ... ngày rửa ... ba lần, phương còn lại ... để ... uống ...
Nói đến đó thì cô ta hôn mê ngất đi.
Chu Mộng Châu vội lấy nước rưới lên đều lên mặt, nhưng lần này thì cồ ta hôn mê hoàn toàn, chẳng tỉnh lại nữa.
Chu Mộng Châu đưa tay sờ vào người cô ta, thấy nóng như thiêu, giật mình nghĩ:
- Thật hiếm, ta chỉ cần trở lại chậm, chỉ e phương thuốc này cũng không kịp ghi.
Chu Mộng Châu quyết định mang cô ta đến một thị trấn nào đó. Tìm nơi nghỉ ngơi, rồi cất thuốc theo đúng chỉ dẫn, nhất định phải cứu cô ta bằng được.
Chu Mộng Châu bế Đằng Anh lên phóng chạy một mạch có đến hai canh giờ, vì lòng nôn nóng muốn cứu người cho nên chạy nhanh hơn lúc bình thường. Tuy vậy, trên tay lại bế thêm một người, cho nên phí không ít công lực, lưng áo ướt đẫm mồ hôi. May mà ra hết dãy núi, thì đã thấy một thị trấn khá lớn tọa lạc dưới chân núi, từ xa nhìn xem đã thấy có trên mấy trăm nóc nhà.
Chu Mộng Châu tinh thần phấn chấn, chạy nhanh hơn. Lát sau đã vào đến thị trấn, thấy không khí sầm uất náo nhiệt, nghĩ thị trấn lớn như vậy, nhất đinh tìm được dược liệu để cất thuốc. Khi ấy, bèn đưa Đằng Anh vào một khách điếm đầu trấn thuê phòng nghỉ lại.
Chu Mộng Châu vào phòng, đặt Đằng Anh nằm yên trên giường, lập tức gọi một gã tiểu nhị vào hỏi thăm các hiệu thuốc ở đây.
Tiểu nhi nghe xong tình hình, liền nói:
- Thiếu gia xin cứ ở trong phòng chăm sóc người thân, để tiểu nhân giúp hốt thuốc cho!
Chu Mộng Châu chẳng ngờ tiểu nhị nhiệt tình như vậy, liền lấy ra nén bạc hai lượng, cùng hai đơn thuốc nhét vào tay gã nói:
- Vậy thì phiền tiểu nhị ca đi hộ một chuyến, nếu không đủ tiền, trở lại tôi sẽ đưa thêm.
Tiểu nhị gật đầu sốt sắng, cầm bạc và toa thuốc thang chạy như bay. Chu Mộng Châu ngồi một mình bên giường chờ đợi, chẳng ngờ chờ cả nửa canh giờ mà vẫn chưa thấy gã tiểu nhị trở lại, trong lòng chàng sốt ruột nhìn tình trạng Đằng Anh càng thêm lo lắng.
Đằng Anh thỉnh thoảng sốt cao là lên cơn nói sảng, ú ớ trong miệng chẳng hiểu nói những gì.
Chu Mộng Châu cứ lo để lâu không chữa kịp, nhỡ độc tính nhập vào tạng phủ thì nguy tính mạng Đằng Anh, nên bồn chồn đứng ngồi không yên, cứ bước lui bước tới trong phòng.
Thực ra Đằng Anh với chàng vô thân vô thích, chẳng đến nỗi lo sợ sốt vó như vậy, nhưng chàng bẩm tính nghĩa hiệp, thấy người bị nạn như chính mình bị nạn, do vậy mới lo lắng như vậy.
Đột nhiên, lúc ấy bên ngoài hành lang có tiếng bước chân chạy dồn.
Chu Mộng Châu chay vội ra cửa, ghé đầu nhìn thì thấy đúng là gã tiểu nhị trở lại.
Chàng vừa mừng vừa giận, trách:
- Làm sao mà đi cả nửa ngày mới về?
Tiểu nhi thở hổn hển đáp:
- Thiếu gia xin chớ vội trách, thực tình toa thuốc này mới kỳ quái, đến tiệm này có mấy vị này thì thiếu mấy vị khác, tiệm khác thì có những vị khác lại thiếu vị nọ, tiểu nhân phải chạy khắp chín tiệm thuốc trong trấn này mới hốt đủ hai toa thuốc của thiếu gia.
Gã dừng lại thở một lúc, nói tiếp:
- Trên đường trở về gặp phải anh chàng tú tài nghệ xem qua toa thuốc, bảo tiểu nhân về báo lại với thiếu gia là bệnh này nếu để phát thêm một hai canh giờ nữa thì e hết cứu. Tiểu nhân nghe vậy quýnh lên vắt giò mà chạy về đây.
Chu Mộng Chậu nghe vậy chẳng còn bụng dạ nào hỏi xem vị tú tài nghèo kia là ai, giục nhanh:
- Vậy nhờ lão ca mang hai gói thuốc nấu giúp mang lên đây!
Tiểu nhị ứng thanh một tiếng rồi lập tức mang thuốc đi ngay.
Thời gian qua những bữa cơm, tiểu nhị mang đến một bát thuốc, và một chậu nước thuốc trong thùng gỗ, gã làm mọi chuyện tợ hồ như rất thành thục. Gã đặt hết lên bàn, rồi định lui gót nhưng Chu Mộng Châu giữ lại nói:
- Phiền lão ca tìm xem trong trấn này có phụ nhân nào tay chân lanh lợi, đến chăm sóc thương thế cho bệnh nhân được chứ?
Tiểu nhị vừa lắc đầu vừa nhìn về phía Đằng Anh nằm mê man trên giường nói:
- Thiếu gia nên tự mình làm cho, trong tiểu trấn này tìm người thật rất khó, huống gì một vài canh giờ chắc gì đã tìm được người, mà bệnh nhân để lâu nguy cấp, chỉ e có người cũng vô dụng.
Gã nói rồi liền tức bước nhanh ra cửa bỏ đi.
Nguyên là gã trên đường hốt thuốc trở về nghe gã tú tài nào đó nói bệnh nhân nguy kịch không dễ cứu trị. Nếu tìm giúp người chăm sóc, bệnh thuyên giảm thì không nói gì, nhỡ ra nguy đến tính mạng, thì chẳng phải rước phiền hà vào thân sao? Cho nên mới không muốn đi tìm người giúp.
Chu Mộng Châu bất đắc dĩ đành phải tự tay làm lấy, khép kín cửa rồi quay trở lại bên giường lòng tự an ủi:
- Thân thể cô ta mình cũng đã nhìn tối qua, đằng nào làm công chỉ để cứu người, tốt nhất đừng bận tâm bấn loạn là được.
Trước hết chàng mang chén thuốc cho Đằng Anh uống, việc làm không trở ngại gì.
Nhưng đến khi lấy thuốc rửa các vết thương trên người cô ta, thì tay chân chàng trở nên luýnh quýnh.
Nhưng vết thương có ở khắp người, may mà Đằng Anh hôn mê chẳng hay biết gì, nên cuối cùng chàng cũng mạnh dạn cởi bó hết áo quần của Đằng Anh để rửa vết thương. Dẫu nói thế nào đi nữa, nhưng khi ánh mắt chàng chạm phải những đường cong tuyệt mỹ trên thân thể Đằng Anh thì tim cũng không tránh đập loạn xạ lên. Chàng phải cố trấn tĩnh mới làm xong chuyện rửa vết thương trên người Đằng Anh.
Quả phải mất khá nhiều thời gian cho việc này, khi rửa xong hết vết thương thì trời cũng đã tối, chàng đẫm ướt cả mồ hôi, mệt còn hơn khi bế Đằng Anh mà chạy nữa. Chàng vốn định mặc quần áo trở lại cho Đằng Anh, nhưng khi nghĩ mỗi ngày phải rửa vết thương ba lần, cứ mặc vào cởi ra thì thực bất tiện, cho nên chỉ dùng tấm chăn đắp kín người cô ta.
Xong đâu đó chàng mới nhớ đến chuyện cơm nước, ra phòng khóa cửa cẩn thận, đến tiền sảnh khách điếm, gặp lại gã tiểu nhị nói:
- Hai toa thuốc vừa rồi đủ tiền chứ?
Tiểu nhị đáp:
- Cả thảy hai lượng năm tiền, chỉ thiếu năm tiền.
Thực ra thì đủ, nhưng tiểu nhị thấy Chu Mộng Châu còn nhỏ, lại đằng nào cũng tính thêm ít nhiều gọi là kiếm chác chút thù lao.
Chu Mộng Châu không tính toán gì, lấy thêm năm tiền nữa đưa cho gã. Đoạn đưa tiếp mười lượng nữa, nhờ gã hốt cho bốn ngày thuốc.
Tiểu nhi thấy kiếm chát được là vui vẻ nhận lời.
Chu Mộng Châu ăn uống xong, quay lại phòng, việc trước tiên là mở tay nải lấy tiền ra đếm xem, thấy toàn bộ số tiền Đạo An phương trượng cho làm lộ phí giờ chỉ còn hơn ba mươi lượng, bất giấc sững người.
Đạo An phương trượng vốn cho chàng sáu mươi lượng, dọc đường tiêu rất dè xẻn, lúc này gặp chuyện cần kíp mới tiêu lớn như vậy, cứ tính tiền thuốc và tiền ăn ở lại đây, chỉ e không đủ trả trong một tuần.
Với chàng chuyện ăn ở không quan trọng lắm, thế nhưng việc chạy chữa cho Đằng Anh thì không thể bỏ ngang được. Chỉ nghĩ đến đó chàng đã thấy rầu.