Ngày xửa, ngày xưa, có một ông vua trẻ. Ðức vua cai trị một vương quốc giàu có, xinh đẹp, nhưng đẹp nhất có lẽ là ba bà hoàng hậu của đức vua.
Ba vị hoàng hậu này vừa có sắc lẫn có tài, nên cả ba đều được đức vua sủng ái như nhau, " Mỗi người một vẻ, mười phần vẹn mười". Cho đến một hôm, nhà vua bỗng nảy ra một ý nghĩ: Trong ba mỹ nhân này thế nào cũng có một người tuyệt diễm hơn hai người kia, nhưng ta không tài nào nhận ra được, có lẽ vì mình nhìn mãi nó quen mắt đi chăng? Hay là ta hỏi ý kiến bọn cung phi vậy".
Ðức vua bèn mở cuộc trưng cầu dân ý tại hậu cung để tìm xem trong ba mỹ nhân ai là người đẹp nhất. Kết quả cũng không lấy gì làm sáng sủa cho lắm, vì ai cũng cho rằng cả ba vị hoàng hậu đều đẹp ngang nhau. Kẻ tám lạng, người nửa cân vậy.
Nhà vua lại đem nội vụ ra bàn với đình thần. Kết quả cũng tương tợ như trên. Quan tể tướng khuyên đức vua nên dừng cuộc giảo nghiệm lại, vì e nó chẳng ích lợi gì mà đôi khi mang đến hậu họa khó lường được.
Thay vì nghe lời khuyên sáng suốt của vị trung thần lão thành ấy thì đức vua của chúng ta lại nổi cơn thịnh nộ, truyền lịnh cho quan tể tướng phải giải quyết cho xong công việc trong vòng ba hôm. Sau một lúc im lặng, quan tể tướng kính cẩn tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, thần trộm nghĩ rằng, bọn hạ thần chỉ sở trường về chuyện cung kiếm văn thơ, còn chuyện đẹp xấu tướng hảo ra sao thì chắc phải nhường cho các vị bốc sư nổi tiếng. Hay là bệ hạ cho vời y vào, y sẽ phân biệt rõ ràng hơn không?
Nhà vua nguôi giận. Một ông thầy bói được lập tức triệu vào cung để chiêm ngưỡng dung nhan ba người đẹp. Vị bốc sư không chịu cho biết kết quả ngay mà xin khất lại ngày hôm sau để về "tra tự điển" lại.
Lão bốc sư đi rồi, quan tể tướng bèn tâu nhỏ với đức vua:
- Muôn tâu thánh thượng! Hạ thần trộm nghĩ rằng qúi đức bà, mỗi người có một vẽ đẹp riêng, tùy theo nhãn quan và sở thích của từng người. Ý kiến của chúng thần có thể bất đồng nhau, nhưng vì sợ uy quyền của quí đức bà, nên bọn hạ thần không dám nói lên ý kiến của mình mà chỉ kết luận chung chung rằng, cả ba đức bà đều tài sắc như nhau. Nếu thần không lầm thì lão bốc sư này cũng lâm vào một tình thế khó xử như bọn hạ thần, nên lão mới xin khất lại vào ngày mai đó thôi.
- Thế thì khanh giải quyết bằng cách nào?
- Muôn tâu! Ngu thần có một kế mọn là bệ hạ giả mạo bức thư, ký tên của ba đức bà, hẹn lão ấy đến ba địa điểm riêng. Nếu y đến địa điểm nào thì đức bà ấy sẽ là người đẹp nhất.
- Hay lắm, khanh hãy thi hành ngay cho trẩm.
Ba bức thư tức tốc được gởi đi và lão bốc sư đi đến chỗ hẹn với bà hoàng đẹp nhất.
Ðức vua truyền lệnh chém đầu lão thầy bói ... Và từ đó ngài đặc biệt sủng ái vị hoàng hậu vào chung kết nầy.
Hai bà hoàng hậu còn lại vô cùng tức tối, họ âm mưu với nhau dùng độc dược giết chết bà hoàng hậu đẹp nhất.
Chuyện bại lộ, đức vua truyền lệnh xử tử luôn hai bà hoàng hậu còn lại.
Ba vị hoàng hậu xinh đẹp nhất nước đều chết hết, đức vua còn lại một mình để thấy hoàng cung sao mà trống trải lạnh lẽo, bất kể Xuân Hạ Thu Ðông.
Lời bàn:
Các bạn thân mến!
Vạn pháp trên thế gian này, mỗi pháp đều có một đặc tính riêng, nhưng khi chúng ta bắt đầu "ưu tiên một" cho pháp nào, tức là để tâm vào nó, thì sự việc bắt đầu trở nên rắc rối. Có lẽ vì vậy mà đức Phật thường khuyên chúng ta là hãy để yên cho các pháp trụ ở bản vị của nó. Chớ xen vào phân biệt để tự chuốc khổ cho mình và làm di hoạ cho người chung quanh.
Cũng thế, trong cuộc tương giao với bạn bè lân cận, mỗi người bạn của chúng ta đều mang một cái tính riêng biệt, chiếm một vị trí, cách thế khác nhau, chẳng ai giống ai. Và chúng ta cũng khó mà kết luận rằng ai quan trọng hơn ai. Mùa Xuân có hoa lan, mùa Thu có hoa cúc, mỗi loài hoa đều có hương sắc riêng của nó, không thể nào bắt loại hoa này phải bắt chước hoa kia được. Em có thấy rằng số phần rủi ro luôn luôn đến với người mà chúng ta đặc biệt ưu ái hay không?
Vậy thì, ta có nên ngu muội đem cái ý thức phân biệt của mình xen vào các mối tương giao ấy, để cảm thấy cuộc đời này sao mà lạnh lẽo bất kể bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Ðông hay không?